Vận hành bệnh viện Covid-19 với hệ thống thông gió một chiều

[3 năm trước]

Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch quy mô 500 giường, chiều 31/8 khánh thành sau một tháng xây dựng, lần đầu tiên thiết kế hệ thông thông gió một chiều kết nối tận giường.

Bệnh viện ở phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, diện tích 3,5 ha, là cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia thành 17 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên gồm 30 buồng bệnh, trong đó có 15 buồng áp lực âm.

Đây là bệnh viện Covid-19 đi đầu sử dụng hệ thống điều hòa không khí một chiều cho phòng điều trị bệnh nhân Covid-19. Đầu mỗi giường bệnh có hệ thống hút khí thải từ bệnh nhân. Một màng lọc chuyên dụng được đặt tại lỗ hút khí để giữ lại virus, sau đó tia cực tím sẽ xử lý số virus này.

Theo nhà sản xuất Daikin, hệ thống điều hòa thông gió dành cho bệnh viện này là hàng đặt riêng, công suất tương đương 800 máy điều hòa dân dụng thông thường, kết hợp với 360 máy lọc không khí. Một đội ngũ kỹ thuật viên và bác sĩ, chuyên gia y tế tư vấn, đã kết hợp hệ thống thông gió một chiều với quạt hút khí thải tại từng giường, tránh phát tán virus và chống nhiễm chéo.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, kiêm giám đốc bệnh viện điều trị Covid-19 tại Hà Nội, cho biết bệnh viện hoạt động với hai mục tiêu. Một là, tuyến cuối trong tháp điều trị người bệnh Covid-19 tại thành phố và một số tỉnh phía Bắc (bao gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn). Hai là, bệnh viện thực hiện chức năng Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) Covid-19 quốc gia.

"Đây là bệnh viện có số giường điều trị lớn nhất tại Hà Nội mà tôi không muốn đón bệnh nhân, không muốn lấp đầy khoa phòng", bác sĩ Hiếu cho biết tại lễ khánh thành.

Vận hành bệnh viện Covid-19 với hệ thống thông gió một chiều
Thủ tướng Phạm Minh Chính (áo xanh nhạt, giữa), PGS TS Nguyễn Lân Hiếu (áo xanh ngọc) cùng các y bác sĩ tham quan khu cấp cứu, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, ngày 31/8. Ảnh: Ngọc Thành

Khoảng 1.000 nhân viên y tế, ở tất cả chuyên ngành như Hồi sức cấp cứu, khoa Xét nghiệm, khoa Bệnh Nhiệt đới và Can thiệp giảm hại, làm việc tại bệnh viện. Họ đã được tập huấn đánh giá mức độ nặng của bệnh nhân Covid-19, hướng dẫn liệu pháp thở oxy cho người bệnh, thở oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập, cách cài đặt máy thở ban đầu, lọc máu, liệu pháp chống đông ở người nhiễm nCoV. Hàng ngày, mỗi đơn nguyên có 16 bác sĩ và 40 nhân viên thay phiên nhau làm việc.

Theo bác sĩ Hiếu, lợi thế bệnh viện này là được xây từ đầu theo tiêu chuẩn điều trị ICU, khu dinh dưỡng, xét nghiệm, điều trị riêng biệt nhằm đảm bảo vô trùng, kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo.

Viện được chia thành ba khu: Nhà màu xanh là khu hành chính của bệnh viện, bảo đảm không nhiễm khuẩn; nhà màu vàng là khu dinh dưỡng - nghỉ ngơi - xét nghiệm, test định kỳ - kho vật tư thiết bị y tế; nhà màu đỏ dành cho bệnh nhân nặng điều trị ICU. Ngoài ra, còn có khu đệm gồm 69 nhà tắm khử khuẩn với nhiều không gian xanh.

Cơ sở này hội đủ tiêu chí lý tưởng cho một đơn vị điều trị bệnh nhân Covid nặng như cách xa khu dân cư, giao thông thuận tiện, hạ tầng kỹ thuật điện, nước, nước thải được bố trí đồng bộ.

Bệnh viện dự kiến tiếp nhận bệnh nhân trong vài ngày tới.

Hà Nội đã qua 37 ngày giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, số ca mắc mới vẫn ở mức cao, liên tục xuất hiện các ổ dịch mới.

Ngày 29/8, thành phố ghi nhận 133 ca, là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ khi dịch xuất hiện trên địa bàn thủ đô (ngày 6/3/2020).

Tổng số ca Covid-19 tại Hà Nội từ đợt dịch thứ 4 đến nay là 3.234, trong đó số ca ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.547 ca, số ca dương tính khi đã cách ly là 1.687.

Nguồn: Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bán chạy