Tại sao điều hòa không mát

[6 năm trước]

Hết gas hoặc gas yếu, không thường xuyên vệ sinh, hỏng tụ là những nguyên nhân chủ yếu khiến điều hòa làm mát kém. 

Lưới, bộ lọc khí của dàn nóng hoặc dàn lạnh bám bẩn

Việc không vệ sinh thường xuyên khiến lưới lọc gió bám bụi, máy lạnh phải hoạt động mạnh hơn mới hút được gió hay đẩy gió lạnh ra ngoài sau khi làm lạnh khiến tốn điện, ồn hơn thông thường. Chưa kể, nếu lâu ngày không vệ sinh, trong hộc gió còn xuất hiện ẩm mốc, vi khuẩn gây hại sức khỏe. 

Điều hòa nên được vệ sinh định kỳ khoảng 6 tháng một lần. Đối với các gia đình miền Bắc, nên tổng vệ sinh một lần trước khi bước vào mùa nắng nóng để đảm bảo thiết bị hoạt động tốt nhất.

Hết gas hoặc gas yếu

Nếu được lắp đặt cẩn thận, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, hiện tượng hết gas rất khó xảy ra với các điều hòa sử dụng trong hộ gia đình. Do là hệ thống khép kín, khí gas dẫn lạnh là hóa chất không bị phân hủy trong chu trình hoạt động của máy nên hao hụt rất ít. Phần lớn các trường hợp hết gas hoặc gas yếu do quá trình lắp ráp không đúng tiêu chuẩn khiến đường ống hở, khí gas rò rỉ.

Dù vậy, đây vẫn là lý do thường được các thợ sửa điều hòa nhắc đến khi bảo dưỡng. Người dùng vì vậy cần nhờ đến các thợ sửa, trung tâm uy tín để kiểm tra, "bắt đúng bệnh" của sản phẩm.

Hết gas hoặc gas yếu phần lớn do lắp đặt không cẩn thận, không đúng kỹ thuật gây ra. 

Trong trường hợp máy làm lạnh kém do hết gas, thường có các hiện tượng như tuyết bám trên van ống nhỏ của dàn nóng, dòng điện hoạt động thấp hơn định mức ghi trên máy. Một số dòng máy lạnh đời cao có thể tự tắt sau khoảng 10 đến 15 phút và báo lỗi do không có đủ lượng khí gas để hoạt động. 

Máy nén gặp vấn đề

Block điều hòa (máy nén) là bộ phận quan trọng nhất của điều hòa. Nếu máy nén không hoạt động, điều hòa vẫn chạy nhưng không tạo ra được không khí lạnh. Có nhiều nguyên nhân khiến máy nén hoạt động lỗi như mất nguồn cấp, lỗi mạch điều khiển, khởi động từ không đóng, hở mạch... Bộ phận này đòi hỏi thợ sửa chuyên nghiệp kiểm tra và sửa chữa, tránh thay thế toàn bộ gây lãng phí.

Hỏng tụ điện, bảng mạch

Tụ điện trong cục nóng khi bị hỏng điều hòa vẫn chạy nhưng không tạo ra khí lạnh mà chỉ như một chiếc quạt gió. Tụ điện cũng đòi hỏi thợ sửa chuyên nghiệp kiểm tra và thay thế. Với người dùng, có thể hạn chế hỏng hóc ở bảng mạch trong điều hòa bằng cách vệ sinh thông thường. Điều này giúp ngăn chặn côn trùng, mạng nhện làm tổ gây chập cháy mạch. Khi vệ sinh phải ngắt hẳn nguồn điện của điều hòa. 

Quá tải điện

Trong mùa cao điểm nắng nóng, hầu hết gia đình đều sử dụng điện năng lớn nên có thể gây ra quá tải ở nhiều khu vực. Điều hòa khi mới bật tiêu thụ điện năng lớn để khởi động và bắt đầu làm lạnh. Nếu điện áp bị yếu, lốc máy làm mát có thể bị nóng, hoạt động kém hiệu quả hoặc thậm chí ngừng hoạt động. Các mẫu điều hòa cũ là những sản phẩm "nhạy cảm" nhất với hiện tượng quá tải điện.

Theo: Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm bán chạy